Giáo dục Việt Nam đã và đang phát triển rất nhanh và tiến bộ; từ việc học lý thuyết, công thức, bài vở… giảng đường các trường đại học – cao đẳng những năm nay đã chú trọng vào kiến thức thực tế; số lượng buổi thực tế, kiến tập tăng nhanh; việc ký kết hợp tác với các doanh nghiệp cũng tạo tiền đề cho sinh viên có nhiều cơ hội thực tập sớm, đem lại nhiều kinh nghiệm cần thiết cho các bạn. Tuy nhiên, giữa việc học tập, thực tập đến đi làm vẫn là quãng đường có khoảng cách rất lớn; không ít các bạn sinh viên “vỡ mộng”, tạo nên nhiều áp lực và sự khủng hoảng trong 3 năm đầu đi làm của các bạn trẻ.
Vì đâu sự khủng hoảng 3 năm đầu này xuất hiện?
Có rất nhiều lý do cho sự khủng hoảng này xuất hiện ở các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp, trong đó có hai ý lớn chúng ta hoàn toàn có thể có sự chuẩn bị để giai đoạn khủng hoảng này sẽ “dễ thở” hơn, hoặc thậm chí là vượt qua nhanh chóng hơn.
1. Những khác biệt giữa học tập và làm việc
Ở môi trường đại học – cao đẳng, chúng ta đã biết về những khái niệm như: Nhiệm vụ (task), hạn chót (deadline), KPI (Key performance indicator: Chỉ số đo lường hiệu quả công việc)… nhưng thực tế, những khái niệm này ở môi trường công sở sẽ có những khác biệt vô cùng to lớn. Số lượng, mức độ những khái niệm này được đặt lên sẽ có thể làm bạn choáng ngợp nếu chưa chuẩn bị thật kỹ. Công sở là chiến trường thực tế, một bảng nâng cấp của giảng đường, mà ở đây đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao, tạo ra được giá trị cho doanh nghiệp, chúng ta không thể dễ dàng cho phép bản thân gục ngã và có rất ít cơ hội “làm lại” để tốt hơn cho cùng một dự án như việc “thi lại”.
Ngoài ra, các yếu tố khác như phong cách làm việc, văn hóa doanh nghiệp cũng là yếu tố tác động mạnh mẽ.
2. Ít ai nói với bạn về những khó khăn
Đối với những bạn đã được định hướng nghề nghiệp trước đó hay kể cả những bạn đang gặp mông lung trong việc mình sắp tốt nghiệp rồi nhưng mình sẽ làm gì đây đều được tiếp thu các thông tin về nghề nghiệp này sẽ như thế nào, bạn sẽ học hỏi được gì, cơ hội nghề nghiệp, thăng tiến và mức lương ra sao. Nhưng sẽ có ít thông tin về những khó khăn, những vấn đề mà các bạn sẽ dễ gặp phải hoặc thậm chí là chắc chắn sẽ gặp phải trên hành trình này.
Và một điều khá thú vị nữa, dù bạn có làm việc đúng chuyên ngành, đúng công việc mình theo đuổi, trong 3 năm đầu này, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều từ ngữ “lạ”, từ chuyên ngành; và vô vàn những nhiệm vụ tưởng chừng lặt vặt đều có thể làm bạn “stress”, một ví dụ điển hình là cách sử dụng máy photocopy, máy scan… trong văn phòng. Đừng hoảng loạn, hãy tìm hiểu về chúng và đừng ngại hỏi những anh chị, bạn đồng nghiệp nếu bạn vẫn chưa có thông tin chính xác nhất; tuy nhiên hãy hỏi khi đã có tìm hiểu trước để tránh việc bị đánh giá là thụ động nhé!
Cần luôn trau dồi kỹ năng và cập nhật những kiến thức mới
Để cơn khủng hoảng này đối xử với bạn dịu dàng hơn một chút, hoặc là vượt qua nó nhanh hơn; hãy luôn chuẩn bị một tinh thần chiến đấu với nó một cách mạnh mẽ, chính xác hơn là trang bị cho mình một bộ kỹ năng vững chắc.
Từ những kỹ năng cơ bản như: căn lề văn bản trước khi in, cách sử dụng máy in, máy photocopy, máy scan; cách viết email chuẩn chỉnh; cách lưu trữ, đặt tên các nhiệm vụ được giao… đến các kỹ năng mềm như giao tiếp, sắp xếp và trình bày nội dung, đàm phán, thuyết trình, quản lý thời gian; đặc biệt là các khóa cá nhân hóa hơn như quản lý tài chính cá nhân, cách vượt qua các nỗi sợ, vượt qua sự trì hoãn…
Xu hướng công việc được cập nhật từng ngày, từng giờ nên việc bổ sung và cập nhật kiến thức chuyên môn cho bản thân cũng vô cùng cần thiết. Đừng chỉ tập trung vào công việc mình đang làm, hãy quan sát sự vận hành, thay đổi và có những đổi mới phù hợp. Nếu như bạn là một người viết nội dung, hãy tìm hiểu thêm về chạy quảng cáo, biết một chút về thiết kế và quản trị các kênh thông tin sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều trên con đường phát triển bản thân cũng như thăng tiến.
Lập một lộ trình cá nhân và tin tưởng, tập trung theo đuổi mục tiêu. Hãy vạch ra kế hoạch sau ba năm bạn sẽ trở thành người như thế nào, đã học được những gì, ở vị trí nào, mức lương bao nhiêu? Đừng bị áp lực đồng trang lứa vì hành trình của mình có vẻ chông gai hơn, những bước đi của mình có vẻ chậm hơn; đối thủ của bạn không phải là ai ngoài chính bản thân bạn, hoàn thành mục tiêu, bạn đã là người thành công rồi! Và đừng quên việc học cách chấp nhận, chấp nhận cả những cơ hội, điều kiện công việc mang đến, cũng như những khó khăn, vấp ngã phải trải qua; mỗi trải nghiệm đều là những bài học quý giá để bạn chinh phục mục tiêu của mình đó!
Báo Giáo dục TP.HCM