HHT – Khi “chê” trở thành một “đặc sản” của các TikToker, các ngành học cũng trở thành mục tiêu để review. Vậy những người trong ngành, đặc biệt là các chuyên gia tư vấn, hướng nghiệp đánh giá thế nào về quan điểm này?
Mùa tuyển sinh đến gần cũng là lúc các nội dung về hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh nhận được sự nhiều sự quan tâm của Gen Z và các bậc phụ huynh. Trên nền tảng TikTok, nhiều TikToker cũng đăng tải loạt nội dung liên quan đến các ngành, nghề học ở các trường Đại học (ĐH), Cao đẳng (CĐ)… Đáng nói, khi gõ từ khóa “bằng đại học” trên nền tảng này, đứng đầu danh sách tìm kiếm là “Những bằng đại học vô dụng”.
Đa số, các TikToker đứng sau các video trên đều tự nhận bản thân là “người trong nghề”. Sau khi đưa ra những đánh giá chủ quan của bản thân, những TikToker khuyên người xem không nên đăng ký học loạt ngành hot bao gồm: Ngôn ngữ Anh, Quản trị kinh doanh, Quản trị nhân sự và Marketing…
Bằng đại học Ngôn ngữ Anh sẽ “vô dụng” nếu…
Từ góc nhìn của Hoàng Khang (sinh viên năm 4 ngành Ngữ văn Anh, ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM), cử nhân ngành Ngôn ngữ Anh sẽ rất khó… thất nghiệp, bởi cơ hội việc làm của nghề này luôn rộng mở.
Hoàng Khang cho rằng, cơ sở để đánh giá bằng ĐH Ngôn ngữ Anh là “vô dụng” hay “hữu dụng” sẽ tùy thuộc vào định hướng của mỗi người. Nếu các bạn đã xác định bản thân sẽ làm trái ngành, không sử dụng tới kiến thức mình đã được đào tạo thì không chỉ bằng ĐH Ngôn ngữ Anh, mà bất kỳ bằng nào khác cũng sẽ khó phát huy tác dụng.
Ngược lại, giá trị của bằng ĐH sẽ thật sự hữu dụng nếu các bạn có định hướng theo đuổi các công việc liên quan đúng các ngành, môn học đã được đào tạo, với bằng Ngôn ngữ Anh là các công việc giảng dạy, nghiên cứu, biên phiên dịch, các công việc trong Đại sứ quán, Lãnh sự quán…
Trước ý kiến của một vài TikToker về việc nên chú trọng học IELTS thay vì dành cả 4 năm ĐH chỉ để học tiếng Anh, Nhật Trinh (cựu sinh viên ngành Việt Nam Học) cho rằng đó chỉ là góc nhìn phiến diện.
“Không phải cứ điểm IELTS càng cao thì càng chứng minh người đó có kỹ năng tiếng Anh tốt. Học ngôn ngữ là học cả văn hóa, lịch sử, tiến trình phát triển của một ngôn ngữ, không chỉ là vỏ ngôn ngữ bề mặt.”
Học đại học là học cách tư duy
Đối với các ngành học đòi hỏi sự thích ứng, đổi mới liên tục như Marketing, truyền thông… việc chương trình học có vênh, khớp với thực tế là điều dễ hiểu. Và ngược lại, không ít người, dù theo học các ngành kỹ thuật, sức khỏe… vẫn làm các công việc liên quan đến tiếp thị sản phẩm sau khi tham gia các khóa học ngắn về Marketing.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Vinh Quang (Nhà sáng lập Tổ chức Hướng Nghiệp Quốc tế Mr.Q, thành viên Hiệp hội Phát triển Nghề nghiệp Úc – CDAA), đối với các lĩnh vực như nghệ thuật, thiết kế, thể thao, giải trí, marketing, truyền thông, công nghệ thông tin,… nhà tuyển dụng có thể coi trọng kỹ năng, kinh nghiệm hơn là bằng cấp.
Dù vậy, vẫn không có cơ sở để cho rằng bằng đại học chuyên ngành Marketing là vô dụng. Bạn Trương Thị Cúc (cử nhân ngành Marketing, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) chia sẻ, sau một khoảng thời gian trải nghiệm công việc liên quan đến truyền thông, quảng cáo hay tiếp thị, bạn nhận thấy ngành học này đã dạy cho bạn cách tư duy và cơ chế vận hành của một hoạt động kinh doanh trên thị trường.
“Nếu muốn thành công trong lĩnh vực này, bằng cấp chỉ là một phần trong quá trình phát triển kỹ năng. Đây hẳn là yêu cầu của tất cả mọi ngành nghề, chứ không riêng gì Marketing.”
Một nửa sự thật chưa chắc đã là sự thật
Theo Tiến sĩ Nguyễn Vinh Quang, dù các TikToker đều tự nhận mình là “người trong ngành”, các nội dung TikTok trên không đảm bảo tính đúng đắn và chính xác. Các nội dung trên TikTok thường có độ dài ngắn và chủ đề đa dạng, không đủ để truyền đạt thông tin một cách toàn diện và chi tiết.
“Có thể có những tấm bằng đại học không có giá trị nhất định khi các bạn học sinh, sinh viên đi làm, nhưng điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như ngành nghề, trình độ, kinh nghiệm làm việc, kỹ năng cá nhân…
Tuy nhiên, trong một số ngành nghề như y tế, giáo dục, kỹ thuật, pháp luật, kinh doanh,… bằng cấp vẫn được coi là một yếu tố quan trọng trong quá trình tuyển dụng và phát triển nghề nghiệp. Một tấm bằng đại học có thể giúp các ứng viên cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ trong những ngành nghề này.”
Tiến sĩ Vinh Quang cũng nhìn nhận, việc đánh giá một ngành học là tiềm năng hay lỗi thời là một vấn đề phức tạp và cần phải xem xét nhiều yếu tố khác nhau, từ nhiều góc độ để đưa ra đánh giá chính xác.
Hoa học trò- Báo điện tử Tiền phong