TIN TỨC TIN TỨC - SỰ KIỆN

Thị trường lao động ‘khó lường’, học thế nào để tốt nghiệp có việc làm ngay?

Theo chuyên gia, sinh viên cần có chiến lược trau dồi kiến thức, kỹ năng, thái độ và luôn phải chủ động thỏa mãn những yêu cầu của thị trường lao động để có việc làm ưng ý sau khi tốt nghiệp.

Những giá trị cần có

Tiến sĩ Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc Tổ chức giáo dục hướng nghiệp quốc tế Mr.Q, cho biết hiện nay thị trường lao động đang biến động rất nhanh, có thể chỉ sau 4 năm đào tạo ĐH đã thay đổi hoàn toàn dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên “chới với” vì mất định hướng sau khi ra trường. “Do đó, việc chọn đúng ngành chỉ mới mở cánh cửa cho con đường dẫn đến thành công. Để tiếp tục bước đi, bạn cần có lộ trình cụ thể và nghiên cứu trước rủi ro để có phương án dự phòng”, anh Quang lưu ý.

Cũng theo tiến sĩ Quang, sự chủ động trong mọi khía cạnh là tiêu chí tiên quyết trong thời đại số để sinh viên đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. “Chủ động cập nhật thông tin để biết hướng chuyển dịch của ngành, dự đoán xu thế phát triển lẫn nhu cầu xã hội. Chủ động tiếp cận công nghệ mới để thích nghi và điều chỉnh lộ trình phát triển bản thân. Và nhất là phải chủ động học hỏi lẫn nhau”, anh Quang trả lời Báo Thanh Niên bên lề sự kiện hướng nghiệp tổ chức tại TP.HCM chiều 25.3.

Từ trái qua: Anh Đào Lê Tâm An, tiến sĩ Nguyễn Vinh Quang

Bên cạnh đó, chuyên gia hướng nghiệp cũng khuyên sinh viên tìm hiểu “bức tranh” công việc mình đang nhắm tới cũng như những tiêu chuẩn, thử thách đặt ra cho người làm nghề, tránh việc học giỏi, chuyên môn tốt nhưng lại “đứt gánh” khi ứng tuyển vì thiếu hiểu biết thực tế. “Ngoài thước đo tự đưa ra cho bản thân, bạn phải cân nhắc thêm những thước đo của xã hội để khỏa lấp kịp thời, chẳng hạn như bổ sung kỹ năng và kiến thức còn thiếu”, tiến sĩ Quang phân tích.

Chia sẻ thêm về cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, anh Đào Lê Tâm An, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho hay sinh viên cần tránh tư duy sai lầm rằng học ngành nào chỉ có thể làm nghề đó. “Bản thân tôi dù theo đuổi tâm lý học nhưng vẫn có thể cộng tác viết báo. Điều này cho thấy quá trình chọn nghề không còn là câu chuyện khu trú trong ngành nào đó cụ thể mà phải cân nhắc hướng đi, vì một lĩnh vực sẽ có rất nhiều ngành gần để sinh viên mở rộng cơ hội”, anh An nói.

Đừng xem học tập là yếu tố độc lập

Nên toàn tâm vào việc học hay vừa học vừa làm là vấn đề nhiều sinh viên băn khoăn khi bước chân vào giảng đường ĐH. Theo anh An, lựa chọn nào cũng có lợi ích riêng, đơn cử như các ngành khoa học cơ bản cần sinh viên dành nhiều thời gian nghiên cứu trên trường, trong khi đó nhà tuyển dụng những ngành khoa học xã hội lại quan tâm nhiều đến kinh nghiệm cọ xát thực tế ở doanh nghiệp.

“Quan trọng là sinh viên biết mình sẽ đánh đổi những gì với từng lựa chọn. Nếu điểm số với bạn không quan trọng, bạn cần phải có mục tiêu quan trọng hơn. Đồng thời, nên tránh ‘thả con tôm, bắt con tép’, dành hết thời gian học để đi làm kiếm tiền qua những công việc không hề bổ trợ cho ngành học cuối cùng cả việc học lẫn kỹ năng nghề nghiệp đều không phát triển. Nếu ở trong tình trạng này, hãy bảo lưu kết quả học tập chờ đến khi sẵn sàng trở lại”, anh An khuyến cáo.

Theo chuyên gia, nếu không quan tâm đến điểm số trên ĐH, sinh viên cần có mục tiêu quan trọng hơn thay vì “buông thả” bản thân

Mặt khác, chuyên gia tâm lý cho rằng môi trường ĐH là một cuộc “diễn tập” trước khi sinh viên làm việc trong doanh nghiệp. Vì thế, người học cần có sự bồi dưỡng và tổng hòa 3 khía cạnh khác nhau là kiến thức, kỹ năng và thái độ để có thể phát triển toàn diện nhất. “Đừng tách việc học ra thành một hoạt động riêng biệt trong cuộc sống ĐH”, anh An nói.

Theo đó, kiến thức là nền tảng để sinh viên đảm bảo trình độ chuyên môn còn kỹ năng là cách vận dụng kiến thức vào thực tiễn. “Và quan trọng nhất là thái độ, tức tâm thế luôn sẵn sàng lắng nghe, học hỏi. Đây là cơ hội để sinh viên phát triển thêm cũng như tạo ấn tượng tích cực với giảng viên hoặc sau này là đồng nghiệp trong môi trường làm việc”, anh An đúc kết.

Cách đặt mục tiêu học tập hiệu quả

Theo anh Tâm An, để hình thành và duy trì sự chú tâm trong học tập, sinh viên phải tạo được nguồn động lực nội tại (mong muốn, đam mê…), tìm thêm áp lực từ bên ngoài (học bổng, yêu cầu thị trường lao động…) đồng thời đặt ra các mục tiêu cần hoàn thành từ sớm. “Mục tiêu dẫn lối cho chúng ta biết được cần làm gì, và có nội dung càng chi tiết thì sẽ càng dễ hoàn thành”, anh An lưu ý.

Theo đó, chuyên gia khuyên sinh viên dùng mô hình “mục tiêu SMART” gồm specific (mô tả cụ thể), measurable (có thể đo lường), achievable (có thể đạt được), realistic (tính thực tế) và time-bound (trong thời gian nhất định) để xây dựng kế hoạch học tập. Chẳng hạn, thay vì nói “Muốn học giỏi hơn”, sinh viên cần điều chỉnh thành “Muốn đạt điểm trung bình 8.0 trong học kỳ 1”, anh An nêu ví dụ.

Kiều Hùng – Báo Thanh Niên

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

You may also like

TIN TỨC

Gen Z chi tiền mua… không khí quán cà phê

  • 20 Tháng Mười Hai, 2022
Sẵn sàng chi vài triệu đồng mỗi tháng để mua “không khí quán cà phê”, nhiều gen Z đang định
TIN TỨC

Bài học về ‘Khởi nghiệp cuộc đời’ cho tân thủ khoa

  • 26 Tháng Mười Hai, 2022
Bài học về ‘Khởi nghiệp cuộc đời’ cho tân thủ khoa SVVN – Nằm trong khuôn khổ chương trình giao