Cách Để Tìm Động Lực Học Tập
Khi bạn có cả núi bài tập để làm, việc bắt tay vào thực hiện có vẻ như là một nhiệm vụ bất khả thi. Tuy nhiên, nếu chia bài tập thành những mục tiêu nhỏ và vừa sức, bạn có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng cần lên dây cót tinh thần trước khi bắt đầu việc học và lên kế hoạch hoàn thành mục tiêu. Thay vì học theo cách mà bạn không thích, bạn có thể sáng tạo những cách phù hợp nhất với bản thân và xử lý bài tập theo cách đó. Đừng quên bắt đầu việc học sớm để tránh bị quá tải, nhưng đừng trách móc bản thân nếu bạn có lỡ trì hoãn.
Phương pháp 1: Duy trì tinh thần trách nhiệm
- Luôn nhẹ nhàng với bản thân kể cả khi bạn có thói quen trì hoãn. Nếu bạn là người thích trì hoãn hoặc thường thiếu động lực để bắt đầu việc gì đó, trách móc bản thân chỉ khiến mọi việc tồi tệ hơn. Đừng đổ lỗi cho bản thân hoặc cố gắng đưa ra những hình phạt cho chính mình để tạo động lực. Những kiểu hành vi này có thể khiến bạn kiệt sức hoặc phân tâm. Thay vào đó, bạn nên bao dung với chính mình khi gặp khó khăn. Hãy nhìn nhận vấn đề và nhắc nhở bản thân rằng chuyện đó không sao cả và bạn đang nỗ lực cải thiện
- .Tránh so sánh bản thân với những người bạn cùng lớp có vẻ chăm chỉ. Mỗi người đều có phương pháp học và làm việc khác nhau; vì vậy, bạn nên tập trung vào nhu cầu và khả năng của chính mình và đừng lo lắng về việc người khác đang làm.
- Giải tỏa những lo lắng và cảm giác “chống đối” để vượt qua rào cản này. Hãy thử viết mọi suy nghĩ của bạn ra giấy để tìm hiểu những lo lắng liên quan đến việc học hoặc yếu tố cụ thể nào đó khiến bạn không muốn bắt tay vào việc học. Hoặc, bạn có thể tâm sự với một người bạn hay bạn cùng lớp. Sau khi đã giải tỏa những nguyên nhân gây căng thẳng, bạn sẽ đặt những cảm xúc tiêu cực sang một bên. Hít thở sâu và tự nhủ đây là lúc điều chỉnh suy nghĩ để bạn có thể bắt tay vào xử lý bài tập.
- Nếu việc tâm sự với một người bạn có vẻ hiệu quả, bạn cần đảm bảo họ sẵn lòng lắng nghe và bạn không khiến họ mất tập trung vào việc học.
- Cho ai đó biết kế hoạch hành động của bạn. Sau khi lên kế hoạch học tập, bạn nên chia sẻ với bạn bè, bạn cùng lớp hoặc người thân. Hãy cho họ biết rằng bạn chỉ muốn nhanh chóng hoàn thành kế hoạch và vượt qua mọi thử thách hoặc trở ngại trước thời hạn. Ngoài ra, bạn sẽ nhờ họ đồng hành cùng mình và thỉnh thoảng kiểm tra tiến độ, hoặc chỉ cần cho họ biết rằng bạn sẽ liên lạc sau khi hoàn thành một vài mục tiêu.
- Mặc dù việc học là nhiệm vụ cá nhân cần được thực hiện một mình, nhưng việc có người đồng hành sẽ là nguồn động lực tuyệt hảo.
- Lập nhóm cùng một người bạn cùng lớp hoặc bạn cùng phòng để động viên nhau trong quá trình học tập.
- Hoặc, cho một người bạn biết rằng bạn chỉ có thể gặp họ nếu hoàn thành các mục tiêu của mình trước 9 giờ tối. Chắc hẳn bạn sẽ không thích việc khiến bạn bè thất vọng và bỏ lỡ cuộc vui; vì vậy, hãy tạo động lực học tập bằng việc tận dụng nhu cầu muốn tránh hậu quả này.
- Học nhóm hoặc học cùng gia sư để bạn có trách nhiệm hơn với việc học. Hãy học cùng một người bạn hoặc nhóm trừ khi việc đó khiến bạn mất tập trung. Các bạn cần trao đổi thói quen và sở thích học tập với nhau trước khi bắt đầu lập nhóm để tìm được những người đồng đội “tâm đầu ý hợp”. Bước tiếp theo là cùng thống nhất các mục tiêu và xác định phương pháp cũng như thời điểm hoàn thành những gì đã đặt ra. Nếu việc học nhóm không hiệu quả, hãy tìm gia sư có thể hỗ trợ thêm cho việc học của bạn. Bạn cần lên kế hoạch trước để có mục tiêu phấn đấu.
- Hãy tìm gia sư tại trường học hoặc trung tâm gia sư.Khi học nhóm, mỗi người có thể tình nguyện giải quyết một chủ đề nào đó, rồi chia sẻ tài liệu học tập với nhau.Tìm phòng học, chuẩn bị đồ ăn nhẹ, hoặc biến việc học thành trò chơi để tăng sự hào hứng.Bắt đầu học từ sớm phòng trường hợp các thành viên trong nhóm không đạt được mục tiêu và đảm bảo bạn có đủ thời gian để tự mình hoàn thành một số môn học.
Phương pháp 2: Lên kế hoạch học tập
- Đánh giá xem thói quen học tập nào hiệu quả nhất với bạn. Bạn thử nghĩ xem yếu tố môi trường và kỹ năng học tập nào giúp bạn nhớ bài và hoàn thành tốt bài thi. Hãy quyết định xem bạn thích học một mình tại nơi yên tĩnh hay nơi công cộng như thư viện hoặc quán cà phê sẽ giúp bạn tập trung tốt hơn. Bạn nhớ bài tốt hơn khi xem ghi chú hay khi đọc sách giáo khoa và xem lại bài tập cũ? Đây là lúc cần tìm ra các yếu tố kết hợp giúp bạn trở nên tích cực, hăng hái và tập trung để áp dụng cho việc học trong tương lai.
- Hãy nhớ lại những lần mà bạn đã học tập hết sức hiệu quả và những lần không đạt được kết quả như mong muốn, rồi đánh giá xem yếu tố nào hỗ trợ và kìm hãm tiến độ của bạn.
- Nếu bạn có thể xây dựng phương pháp học tập của riêng mình, việc học sẽ ít căng thẳng hơn.
- Tập trung vào những mục tiêu dài hạn và những gì mà bạn sẽ đạt được từ việc học. Học hành là một việc gian khổ, nhưng thay vì liên tục nghĩ về những điều tiêu cực, bạn nên tập trung vào điều tích cực bằng cách hình dung tất cả những thành quả sẽ đạt được khi bạn nỗ lực học tập. Hãy tưởng tượng việc bạn nhận được kết quả tốt trong kỳ thi, được thầy cô khen ngợi hoặc cảm giác tự hào vì kết quả học tập cuối kỳ, và để những cảm xúc tốt đẹp này tác động đến việc điều chỉnh quan điểm của bạn về việc học.
- Nếu bạn muốn đậu đại học hoặc nhận được học bổng, hãy nghĩ về việc tiến gần hơn đến ước mơ của mình sau mỗi buổi học.
- Dùng mục tiêu dài hạn làm động lực thúc đẩy bản thân.
- Chia việc học thành những việc hoặc mục tiêu nhỏ hơn. Hãy đặt ra những mục tiêu cụ thể cho từng buổi học. Chia những mục tiêu học tập lớn thành những bước nhỏ và vừa sức. Xác định những mục tiêu cụ thể và thiết thực mà bạn có thể lần lượt hoàn thành. Như vậy, bạn sẽ dần phát triển tiến độ và việc đạt được từng mục tiêu sẽ đem đến cảm giác thành công sau mỗi buổi học.
- Bạn thường dễ cảm thấy kiệt sức trước cả núi bài tập và hàng dài những bài luận. Tuy nhiên, thay vì lo lắng “Không biết khi nào mình sẽ hoàn thành nhiệm vụ này?”, hãy hỏi bản thân “Mình có thể hoàn thành bao nhiêu bài tập trong 2 tiếng?”
- Thay vì cố gắng đọc hết cả quyển sách trong một lần, hãy đặt mục tiêu mỗi lần đọc 1 chương hoặc 50 trang.
- Khi chuẩn bị cho kỳ thi, bạn sẽ dành một ngày để xem lại bài vở của tuần đầu tiên, rồi tập trung ôn tập nội dung của tuần thứ hai trong ngày hôm sau.
- Sắp xếp bài tập theo thứ tự từ dễ nhất đến khó nhất hoặc ngắn nhất đến dài nhất. Tùy thuộc vào cảm giác trì hoãn mà bạn đang gặp phải, hoặc độ khó của môn học, bạn có thể chọn cách sắp xếp làm giảm mức độ căng thẳng và giúp bạn có thêm động lực. Hãy thử xử lý những bài tập có thể hoàn thành trong khoảng thời gian ngắn trước rồi chuyển sang những phần tốn nhiều thời gian hơn, hoàn thành bài luận dễ rồi mới chuyển sang bài luận khó, hoặc bắt đầu xử lý những bài tập khó trước và giảm dần độ khó theo thời gian. Hoặc, bạn có thể học các môn theo thứ tự trong thời khóa biểu.
- Nếu bạn chọn áp dụng một phương pháp hợp lý, việc này sẽ giúp bạn giảm cảm giác mệt mỏi khi phải đưa ra quyết định và bạn cũng dễ dàng chuyển đổi giữa các bài tập.
- Đặt giới hạn thời gian hoặc khung giờ nhất định trong lịch của bạn cho mỗi việc. Sau khi bạn đã chia nhỏ việc học thành những mục tiêu vừa sức, đây là lúc xếp chúng vào lịch sao cho phù hợp. Những người thích lập thời gian biểu chặt chẽ có thể đặt ra thời gian bắt đầu và kết thúc cho mỗi công việc. Riêng những ai thích sự linh hoạt sẽ đưa ra giới hạn thời gian cho mỗi hoạt động và sắp xếp thứ tự công việc theo cảm hứng. Cho dù chọn phương pháp nào, mỗi ngày bạn vẫn nên dành ra một khoảng thời gian cụ thể cho việc học.
- Việc nói với bản thân “Mình sẽ phải học trong tuần này” sẽ khiến bạn trì hoãn, nhưng cách nói “Mình sẽ học từ 18 giờ đến 21 giờ vào thứ hai, thứ ba và thứ năm” sẽ giúp bạn thực hiện đúng theo kế hoạch.
- Cố gắng bám sát thời gian biểu thông thường, nhưng đừng ngại điều chỉnh lịch trình quen thuộc của bạn nếu điều đó tốt hơn cho bạn. Ví dụ, hãy ngủ đủ giấc và đặt báo thức lúc 5 giờ sáng ngày chủ nhật để thức dậy học. Bạn sẽ dễ dàng thức dậy và bắt đầu mọi thứ ngay lập tức khi đã lên kế hoạch trước.
- Khi lên kế hoạch học tập càng cụ thể và quyết tâm, bạn sẽ càng thành công trong việc học và quản lý thời gian.
Phương pháp 3: Chuẩn bị cho tinh thần và góc học tập
- Đi bộ hoặc vận động để có suy nghĩ tích cực. Hãy kéo bản thân ra khỏi tình trạng ủ rũ bằng vài phút vận động cơ bản. Bạn có thể ra ngoài và đi bộ khoảng 10 phút để hít thở không khí trong lành. Thả lỏng cơ thể bằng một lượt nhảy dang tay chân, hoặc nhún nhảy quanh phòng trong khi nghe bài hát yêu thích của bạn.
- Những hoạt động này sẽ tiếp thêm năng lượng cho bạn và giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Ngoài ra, chúng còn làm cho não chuyển sang trạng thái dễ tiếp thu, giúp bạn học tập hiệu quả hơn.
- Nếu có thể thực hiện việc này, bạn đang tạo đà cho một buổi học hiệu quả.
- Tạo cảm giác sảng khoái và chọn mặc trang phục thoải mái. Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi và thiếu động lực, hãy tắm nước lạnh hoặc rửa mặt để trở nên tỉnh táo. Chọn trang phục có chất liệu mềm đem đến cảm giác dễ chịu trên da và tránh trang phục có nhãn gây ngứa hoặc phần lưng quá chật khiến bạn bị phân tâm. Bạn nên chọn trang phục mặc thường ngày và vừa vặn. Đảm bảo trang phục phù hợp với thời tiết và chuẩn bị thêm áo ấm nếu cần. Những ai có mái tóc dài thì nên cột cao để tóc không lòa xòa trước mặt.
- Đảm bảo trang phục mà bạn mặc khi học không tạo cảm giác như đồ ngủ để tránh cơn buồn ngủ.
- Dọn dẹp góc học tập và chuẩn bị đầy đủ dụng cụ học tập. Cho dù bạn ngồi học tại bàn trong phòng ký túc xá hay tại quán cà phê, hãy dọn dẹp bàn học bằng việc dọn rác trước. Bỏ mọi thứ không liên quan đến việc học khỏi bàn học của bạn. Nếu cần, bạn có thể tạm thời đặt mọi thứ sang một bên để dọn dẹp sau. Sau khi dọn dẹp mặt bàn, bạn sẽ đặt lên đó các loại sách, bài tập, vở, bút, bút highlight, giấy ghi chú và các dụng cụ khác cần thiết cho việc.
- Khi chọn góc học tập, bạn cần tránh những tác nhân gây xao lãng. Hãy chọn vị trí ngồi quay lưng với tủ lạnh hoặc cửa sổ nếu chúng khiến bạn mất tập trung. Không ngồi cùng bàn với bạn bè để tránh làm phiền nhau.
- Biến góc học tập thành nơi ấm áp và lôi cuốn để bạn háo hức với việc học tại đây. Bạn có thể trang trí các bức tường bằng ảnh của mình và bạn bè, đặt một chậu cây nhỏ lên bàn và chọn một chiếc ghế thoải mái để ngồi.
- Kết nối máy tính với nguồn điện và tắt toàn bộ thẻ không cần thiết trước khi bắt đầu học. Nếu bạn phải học trên máy tính, hãy đóng tất cả cửa sổ hoặc thẻ không liên quan đến việc học. Tiếp theo, bạn sẽ chuẩn bị cho việc học bằng cách đăng nhập vào tài khoản học trực tuyến và mở những tài liệu PDF cần thiết. Chọn ngồi gần nơi có ổ cắm điện và kết nối máy tính với nguồn điện trước khi bắt đầu học để việc học không bị gián đoạn khi máy tính sắp hết pin.
- Nếu bạn dễ bị phân tâm nhưng cần dùng máy tính để đọc tài liệu hoặc nghiên cứu, hãy cân nhắc việc in tài liệu ra giấy để có thể tập trung.
- Nếu bạn cần dùng máy tính để soạn thảo văn bản hoặc xem tài liệu PDF, hãy ngắt kết nối mạng hoặc chọn ngồi ở nơi không có mạng WiFi để bạn không có thôi thúc truy cập mạng.
- Khi việc sử dụng máy tính không cần thiết cho việc học, bạn nên tắt và tránh xa máy tính.
- Tắt điện thoại hoặc đặt ở chế độ im lặng để tránh xao lãng. Chắc hẳn bạn không muốn bị cuốn vào các tin nhắn của bạn bè hoặc nghe điện thoại của người thân khi đang tập trung học. Nếu cần, bạn nên cho người khác biết rằng bạn đang học và cần ngắt liên lạc trong một lúc để tập trung. Việc tiếp theo là đặt điện thoại ở chế độ “Do Not Disturb” (Không làm phiền) hoặc tốt hơn hết là tắt nguồn.
- Đặt điện thoại ở xa tầm mắt để bạn không có thôi thúc muốn mở điện thoại.
- Uống nhiều nước và chuẩn bị sẵn thức ăn nhẹ. Bạn nên uống nhiều nước và đem theo một chai nước để không bị khát trong khi học. Chuẩn bị thêm một ít lạc, thanh ngũ cốc hoặc hoa quả để vượt qua cảm giác đói và bổ sung thêm năng lượng trong khi học.
- Tránh học ngay sau khi ăn một bữa to; bạn sẽ chỉ cảm thấy uể oải và muốn nghỉ ngơi.
- Đừng dùng bữa ăn làm phần thưởng vì dạ dày của bạn sẽ bị mất tập trung. Đảm bảo bạn có sẵn thức ăn nhẹ để đối phó với cơn đói.
- Tránh những món ăn vặt nhiều đường, thức ăn nhanh và bánh nướng; những thực phẩm này sẽ cung cấp cho bạn nguồn năng lượng tạm thời rồi nhanh chóng khiến bạn rơi vào cảm giác buồn ngủ.
- Nghe những bản nhạc khiến cho việc học trở nên thoải mái hơn. Để không bị mất tập trung, bạn nên chọn nhạc không lời hoặc bài hát có phần lời mà bạn đã thuộc nằm lòng nhằm tạo cảm giác như chúng bị lẫn vào giai điệu. Thử phát lại cùng một album hoặc chọn danh sách phát kiểu radio để bạn không mất thời gian tìm bài hát.
- Những bản nhạc phù hợp sẽ làm thư giãn tâm trí và tăng khả năng tập trung.
- Thử những bản nhạc piano cổ điển được làm mới hoặc giai điệu ghi-ta hay bài nhạc phim yêu thích của bạn.
- Tạo cảm giác sôi động bằng những bài nhạc điện tử hoặc thư giãn với giai điệu lo-fi.
- Tìm kiếm danh sách phát dành riêng cho việc học trong ứng dụng nghe nhạc yêu thích của bạn để tăng khả năng tập trung, chẳng hạn như “Nhạc giúp tập trung học” hoặc “Nhạc không lời giúp học tập hiệu quả”.
Phương pháp 4: Giải quyết bài tập
- Thúc ép bản thân làm bài tập khoảng vài phút để làm dịu sự lo lắng. Nếu bạn bắt đầu hoảng sợ vì lượng bài tập cần phải xử lý, hãy nhớ rằng bạn sẽ bớt căng thẳng hơn khi bắt tay vào hành động. Bạn chỉ cần khởi động bằng cách tập trung hoàn thành bài tập ngắn và siêu dễ trước. Ví dụ, bạn có thể bắt đầu dành 5 phút để lướt xem danh sách từ vựng. Một cách khác là thử phương pháp Pomodoro bằng việc dành 25 phút cho mỗi bài bài tập. Thời gian sẽ trôi qua rất nhanh và bạn sẽ cảm thấy như mình đã gặt hái được thành công.
- Sau khoảng 5 phút, những vùng “đau khổ” của não phát âm thanh cảnh báo khi bạn không sẵn lòng để làm bài tập sẽ trở nên yên lặng.
- Với phương pháp Pomodoro, mỗi 25 phút được gọi là một Pomodoro, và bạn có thể kết hợp thêm 5 phút giải lao nhanh giữa mỗi Pomodoro.
- Nếu 25 phút có vẻ quá ngắn, bạn cứ tiếp tục công việc của mình sau khoảng thời gian đó, mục tiêu của việc này là giúp bạn bắt tay vào hành động.
- Lập đề cương cá nhân cho mỗi môn học. Đây là một việc hữu ích khi thầy cô không phát đề cương hoặc nếu đề cương hiện tại không thực sự hiệu quả với phương pháp học của bạn. Hãy lập một đề cương phù hợp nhất với bạn. Bạn có thể làm các thẻ nhớ, liệt kê ý chính của những chủ đề cần biết, hoặc viết ra toàn bộ câu hỏi mà bạn nghĩ sẽ có trong kỳ thi. Tham khảo sách giáo khoa để xem lại các câu hỏi hoặc chuyển phần tiêu đề thành câu hỏi.
- Ví dụ, nếu tiêu đề trong sách là “Giá trị nhân văn của truyện cổ tích”, câu hỏi ôn tập của bạn có thể là “Em hiểu thế nào về giá trị nhân văn của truyện cổ tích?”.
- Tham khảo các mẫu đề cương trên mạng để có ý tưởng sáng tạo.
- Tạo hình ảnh giúp bạn liên kết và nhớ ý tưởng. Nếu bạn là người thích học qua hình ảnh, hãy lập sơ đồ tư duy hoặc biểu đồ Venn để sắp xếp các chủ đề cần học. Bạn sẽ vẽ một sơ đồ và dùng màu sắc, mũi tên và biểu tượng để hình tượng hóa chủ đề trong sách. Hoặc, liên kết với chủ đề và ý tưởng bằng cách đánh dấu ghi chú theo màu sắc.
- Thay vì lướt xem từ vựng trong tài liệu PDF hoặc sách giáo khoa, bạn sẽ viết từ vựng và nghĩa của từ ra giấy bằng bút màu để tăng khả năng ghi nhớ từ.
- Nhớ thông tin bằng cách dùng mẹo nhớ. Đây là cách áp dụng các mẹo từ ngữ cơ bản để khắc ghi thông tin vào trí nhớ. Bạn có thể ghép các chữ cái đầu để nhớ danh sách từ hoặc ý tưởng. Viết một bài thơ hoặc đoạn rap để nhớ tên và ngày trong lịch sử hoặc mạch truyện của tiểu thuyết đang đọc. Hãy thử tìm kiếm từ khóa “cách để nhớ [tên môn học]” trên mạng để tham khảo gợi ý hoặc tự tạo ra mẹo nhớ của riêng bạn.
- Thử các mẹo nhớ phổ biến như: “Khi nào cần may áo giáp sắt nhớ sang phố hỏi cửa hàng Áo Phi u” để nhớ dãy hoạt động hóa học của các kim loại: K, Na, Ca, Mg, Al, Zn, Fe, Ni, Sn, Pb, H, Cu, Hg, Ag, Pt, Au.
- Dùng câu thơ như “Nhân chia trước, cộng trừ sau” để nhớ thứ tự của các phép tính.
- Tham khảo podcast hoặc video trên YouTube để tìm hiểu thêm về môn học. Khi bạn gặp phải chủ đề phức tạp và khó hiểu, hãy thử tìm tài liệu trên mạng để hỗ trợ thêm cho việc học. Dành 20 phút xem video phân tích chủ đề bằng những từ ngữ dễ hiểu, hoặc mở điện thoại để nghe podcast về chủ đề sinh học liên quan đến chương trình học của bạn. Mỗi người trình bày sẽ giải thích chủ đề theo cách khác nhau, nên bạn cứ tiếp tục tìm hiểu đến khi tìm được phương pháp phù hợp.
- Đặt giới hạn thời gian để bạn hoàn thành kế hoạch học tập và tự thưởng cho bản thân bằng việc khám phá chủ đề thú vị khác sau khi đã đạt được mục tiêu.
- Tự thưởng cho bản thân khi bạn hoàn thành mục tiêu học tập. Hãy nghĩ đến một phần thưởng nhỏ dành cho bản thân khi bạn đạt được mục tiêu. Nếu vẫn còn đang trong khung giờ học, bạn có thể đi bộ trong khoảng thời gian ngắn, ăn một thanh ngũ cốc, hoặc nghe bài hát yêu thích. Nếu bạn cần thư giãn lâu hơn, hãy xem một video YouTube hay một tập của chương trình tivi yêu thích hoặc dành 20 – 30 phút cho sở thích của mình. Khi đã hoàn tất buổi học, bạn có thể thoải mái thư giãn bằng việc chơi game, lên mạng xã hội để kết nối với bạn bè hoặc đi đâu đó.
- Mặc dù thức ăn là một phần thưởng hậu hĩnh, nhưng bạn nên tránh ăn thực phẩm nhiều đường trước buổi học để không gặp phải tình trạng uể oải vì đường. Hãy để dành món ngọt đến khi kết thúc buổi học như một phần thưởng dành cho nỗ lực của bạn.
- Nếu bạn muốn thưởng cho bản thân bằng một quãng nghỉ trong buổi học, hãy nhớ rằng bạn vẫn cần quay lại với việc học. Bạn nên đặt giới hạn thời gian cho quãng nghỉ và đừng nghe giọng nói trong đầu van nài “chỉ thêm vài phút nữa thôi”.
Lời khuyên
- Nếu bạn cần giúp đỡ, đừng ngại nhờ thầy cô hoặc giáo sư của mình! Hãy đến văn phòng của họ trong giờ hành chính hoặc hỏi xem liệu bạn có thể gặp riêng họ để trao đổi về chủ đề đang học. Bạn cũng đừng quên đặt câu hỏi trong giờ học. Khi bạn đặt câu hỏi, điều đó cho thấy bạn ham học hỏi và muốn đạt kết quả tốt trong học tập.
- Luôn ngủ đủ giấc để bạn có thể nhớ tốt những gì đã học. Hãy đặt mục tiêu ngủ ít nhất 8 tiếng mỗi đêm.
- Cố gắng ghi đầy đủ thông tin bài giảng trong buổi học và sắp xếp bài vở cẩn thận. Đây là những gì giúp bạn hoàn thành bài tập, bài luận và kỳ thi trong tương lai.
Nguồn: wiki How